Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận, tim mạch, mù loà và mất chi.
Theo TS.Từ Ngữ – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, đái tháo đường đang tăng nhanh trên thế giới và cả ở Việt Nam. Đái tháo đường có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh…
Trên thế giới, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận. Do đó những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên.
Thức ăn chế biến sẵn làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa – Ảnh minh hoạ.
TS Từ Ngữ cho hay: “Người mắc đái tháo đường hiện nay mắc phải 3 sai lầm khác phố biến. Thứ nhất, chế độ ăn uống không thay đổi. Dù mắc bệnh nhưng họ vẫn ăn tinh bột nhiều và lựa chọn gạo xay xát trắng. Trong khi đó, muốn đường vào trong máu chậm thì phải ăn các loại gạo xay xát rối.
Một thái cực thứ 2 đó là một số người không dám ăn tinh bột. Theo các thống kê, người không ăn tinh bột dưới 40% hoặc trên 75% thì nguy cơ tử vong cao.
Thứ 3, người đái tháo đường không kiểm soát được biến chứng của mình như: biến chứng chân, tim mạch, suy thận…”.
Hiện nay, không ít bệnh nhân tiểu đường ăn miến vì sợ đường huyết. Về vấn đề này, TS Từ Ngữ cho rằng miến cũng là một sản phẩm đã qua sơ chế như bún, mì và cũng có chứa tinh bột ở hàm lượng thấp. Việc sử dụng miến đối với bệnh nhân đái tháo đường sẽ xảy ra 2 vấn đề: một là đây là thực phẩm tinh (đã qua chế biến), hai là không đủ năng lượng cho cơ thể.
Do vậy, người có bệnh lý đái tháo đường cần tuân thủ thuốc uống của bác sĩ. Và cần có bác sĩ dinh dưỡng xây dựng chế độ ăn phù hợp cho bệnh lý của mình. Bệnh nhân vẫn cần phải ăn cân đối, đủ chất. Người bệnh tuyệt đối không nên áp dụng theo một chế độ ăn, thực phẩm chia sẻ trên mạng, sẽ rất nguy hiểm.
TS Từ Ngữ khuyến cáo: “Đái tháo đường đang ngày tăng lên do chế độ ăn thay đổi (tây hoá). Mọi người ăn nhiều thức ăn công nghiệp, đồ ăn nhanh khiến cho bệnh lý mãn tính không lây xuất hiện (đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hoá…).
Người không ăn ở nhà hay ăn thức ăn đường phố, sử dụng thức ăn công nghiệp nhiều thì bệnh đái tháo đường sẽ đến trong khoảng từ 5-10 năm”.
Theo chuyên gia, đái tháo đường type 2 có thể dự phòng được bằng cách thay đổi những hành vi lối sống thường gắn với đô thị hóa, ví dụ như sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường, thực phẩm có hàm lượng chất béo cao và carbohydrate tinh chế cao. Một cách phòng bệnh khác là tăng cường vận động thể thao.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đưa ra 9 khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh cho mọi người nói chung.
– Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.
– Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.
– Ăn tối đa ba suất trái cây tươi mỗi ngày.
– Chọn một miếng trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.
– Hạn chế đồ uống có cồn.
– Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản, thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
– Chọn bơ đậu phộng thay vì sô cô la hoặc mứt.
– Chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.
– Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ).
Sức khỏe của 18 bé sau sự cố tiêm nhầm vắc xin Covid-19 giờ ra sao?