Nghị lực phi thường của cô gái vượt qua nhiều cuộc phẫu thuật và phải chịu đựng đau đớn mỗi ngày đã khiến không ít người cảm động.
Claire Raymond, 23 tuổi, không thể đếm nổi số lần phải phẫu thuật để giảm bớt cơn đau mà hội chứng tủy sống bám thấp gây ra. Tuy nhiên, cô gái trẻ này vẫn tự hào về những gì bản thân đã vượt qua.
Lúc còn nhỏ, Claire rất hiếu động. Cô chơi thể thao, yêu thích hoạt động ngoài trời và kết bạn với nhiều người. Mọi thứ đã thay đổi khi Claire 11 tuổi và bắt đầu bị đau lưng dữ dội.
Nguyên nhân nhanh chóng được tìm ra và tất cả bắt nguồn từ hội chứng tủy sống bám thấp. Về cơ bản, tình trạng này làm hình thành một khối u bám chặt vào tủy sống, còn gọi là thoát vị tủy. Claire không hề biết bản thân phải đối mặt với hội chứng tủy sống bám thấp cho tới khi cơn đau xuất hiện, cơ thể cô phát triển và khiến tủy sống bị kéo căng.
Nhiều lần phẫu thuật
Ảnh chụp Claire sau ca phẫu thuật vào năm 2009 và 2019.
Sau đó, Claire đã phẫu thuật cắt bỏ thoát vị tủy và giải phóng tủy sống vào năm lớp 5. Tuy nhiên, việc làm này chỉ đem lại hiệu quả trong vài năm.
Mọi thứ bắt đầu trở lại vào 3 năm sau. Lần này, ngay cả khi phẫu thuật, khối u vẫn xuất hiện trở lại và thậm chí còn phát triển nhanh hơn. Claire phải đối mặt với những cơn đau ở tủy sống gần một năm trước khi lên bàn mổ lần nữa.
Các bác sĩ phải rạch một đường lớn trên lưng của cô gái trẻ trong mỗi lần phẫu thuật. Một thập kỷ trôi qua, cô đã bị tổn thương cột sống liên tục và khiến việc di chuyển trở nên vô cùng khó khăn. Claire chia sẻ: “Vào thời gian đó, tôi đã mất ngủ nhiều ngày vì đau đớn”.
Căn bệnh không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà còn tác động không nhỏ tới tinh thần và cảm xúc của Claire. Mỗi khi trở lại bệnh viện, cô lại hồi tưởng về những gì đã trải qua trong quá khứ và điều này khiến cơ thể hoàn toàn hoảng loạn. Claire cho biết: “Tôi mắc chứng trầm cảm và từng có ý định tự tử”. May mắn thay, một chuyên gia tâm lý trị liệu đã giúp cô gái trẻ vượt qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn này.
Không chỉ tiến hành điều trị tâm lý, Claire cũng tìm cách để cải thiện tinh thần bằng việc chơi môn thể thao từng yêu thích. Cô bắt đầu đi nhảy, tham gia vào một dàn hợp xướng và hát trên sân khấu. Theo Claire: “Để thoát khỏi những tổn thương mình gặp phải, tôi đã tiếp nhận câu chuyện của người khác, lên sân khấu biểu diễn và thể hiện hết mình. Điều này đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi”.
Đối mặt với khó khăn
Những vết sẹo như là lời nhắc nhở về Claire đã trải qua trong hơn 10 năm.
Các ca phẫu thuật tiếp tục diễn ra và bác sĩ nhận thấy việc loại bỏ khối u theo cách truyền thống sẽ không có tác dụng lâu dài. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp thay thế, tình trạng của cô xấu đi đến mức không thể xuống khỏi giường.
Trong 2 năm, cô chỉ có thể ngồi trong khoảng thời gian ngắn trước khi phải nằm xuống vì quá đau đớn. Một cử động chân nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới tủy sống, gây đau chân và lưng. Cuối cùng, Claire đã phải ngồi xe lăn. Cô gái trẻ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi có thể ngồi hơn 10 phút. Thế giới của tôi hoàn toàn thay đổi sau nhiều năm”.
Vượt qua nỗi đau
Mặc dù đã dùng thuốc, Claire vẫn phải sống chung với những cơn đau mãn tính hàng ngày ở lưng dưới và chân.
Vào tháng 3/2020, các bác sĩ đã đặt một ống bơm thuốc giảm đau vào bụng của cô để cung cấp thuốc tới tủy sống 24/7. Họ hi vọng điều này sẽ giúp Claire giảm bớt đau đớn. Dù vậy, cô vẫn chỉ có thể ngồi trên xe lăn không quá 30 phút và cần nằm nghỉ nhiều giờ sau đó để hồi phục.
Để giảm bớt một số cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống, Claire đã phải cắt bỏ đốt sống T12 vào tháng 10/2020. Ca phẫu thuật đã giúp cô gái có thể chịu được việc ngồi trên xe lăn hàng giờ liền.
Hiện tại, ở tuổi 23, Claire đã ghi danh vào một trường đại học để trở thành một nhà trị liệu. Cô gái trẻ hy vọng trong tương lai bản thân có thể giúp đỡ những người gặp phải tình trạng tương tự.
Instagram đã trở thành một nơi tiếp thêm động lực cho cô gái trẻ và kết nối với người khuyết tật khác. Nhìn thấy mọi người cởi mở về những cuộc đấu tranh chống lại bệnh tật hoặc khiếm khuyết trên cơ thể đã truyền cảm hứng cho Claire. Giờ đây, cô không chỉ đăng những video và ảnh liên quan đến hội chứng bản thân đang gặp phải mà còn cả những vấn đề sức khỏe khác để có thể giúp mọi người nâng cao nhận thức và tránh phân biệt đối xử với người khuyết tật.