Có nên ngủ chung với người bị đau mắt đỏ?

Miễn dịch với virus đau mắt đỏ sau mắc bệnh khoảng 2 tháng nên một người có thể tái mắc bệnh trong cùng một vụ dịch

Trong 1 tháng trở lại đây, tại nhiều địa phương, số ca mắc đau mắt đỏ tăng cao. Cùng đó, dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay được đánh giá là có nhiều trường hợp biến chứng nặng và lâu khỏi.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), tuần gần đây nhất ghi nhận 800 ca đau mắt đỏ đến khám. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 30 ca là đau mắt đỏ.

Có nên ngủ chung với người bị đau mắt đỏ? - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương

Tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết những ngày qua số trẻ mắc đau mắt đỏ đến khám vẫn tăng trong khi các năm trước thời điểm năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh. 

“Chúng tôi cũng nhận được thông tin nói rằng bệnh đau mắt đỏ năm nay lâu khỏi hơn, nhưng có thể là cảm nhận cá nhân. Thực tế, bệnh nhân đi khám thường là người lâu khỏi mới đến bác sĩ khám. Do đó, nếu chỉ ghi nhận tại bệnh viện thường là các ca bệnh lâu khỏi” – bác sĩ Cương giải thích.

Liên quan đến kết quả nghiên cứu của phòng xét nghiệm ở TP HCM vừa công bố về chủng enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ, đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng số lượng cỡ mẫu 39 bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đủ để đại diện cho cộng đồng, chưa thể là công bố dịch tễ. “Về cơ bản, 2 virus tìm thấy không có gì bất thường và bản thân các virus này cũng là lành tính, hiện chưa quá lo ngại về độc lực” – bác sĩ Cương nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Cương cũng lưu ý dù chưa có thống kê chính thống về tỉ lệ biến chứng nhưng thực tế đã ghi nhận các trường hợp biến chứng do tự điều trị hoặc đến khám muộn, vì thế không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Có nên ngủ chung với người bị đau mắt đỏ? - Ảnh 3.

Bác sĩ cảnh báo đau mắt đỏ dễ lây lan do tiếp xúc gần

Đưa ra khuyến cáo phòng bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, lưu ý đau mắt đỏ dễ lây qua tiếp xúc, lây qua đường tay – mắt: Tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh, rồi tay chạm vào các vật dụng khác làm vương vãi mầm bệnh… Do đó, khi bị đau mắt đỏ nên cách ly tương đối và tránh ngủ chung với người bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ không ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, tuy nhiên virus này dễ dàng lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp nên có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần. Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý người bị đau mắt đỏ không đi bơi, hạn chế đến các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị… để tránh lây bệnh cho người khác.

Bác sĩ Cương cho biết virus gây bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây mạnh nhất khi xuất hiện các triệu chứng toàn phát ở thời điểm mắc, từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, nhưng 3 ngày đầu mới mắc (trong giai đoạn ủ bệnh) và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian nguy cơ làm lây lan sang người khác khoảng 2 tuần. Trẻ em mắc bệnh nên nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn.

Thời gian miễn dịch với virus đau mắt đỏ sau mắc bệnh kéo dài trong 2 tháng nên đã mắc bệnh cũng có thể tái mắc trong một vụ dịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *