“Ngày 9/1 vừa qua, tỉnh Bình Dương có tổ chức lễ mừng thọ 121 tuổi cho mẹ của chúng tôi. Sau đó mẹ được nhận giấy mừng thọ của Ban chấp hành Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam”, người đàn ông nói.
Những ngày qua, dư luận được phen xôn xao và tự hào khi Việt Nam có cụ bà thọ 119 tuổi vẫn minh mẫn, được con cháu báo hiếu mỗi ngày. Nhiều người khẳng cụ chính là người phụ nữ sống thọ nhất Việt Nam, thậm chí trên thế giới cũng khó có ai “vượt mặt”.
Sau đó, cư dân mạng tiếp tục xôn xao trước thông tin một cụ bà ở Bình Dương nhận giấy mừng thọ 121 tuổi. Đó là cụ Phạm Thị Hằng (121 tuổi), hiện sinh sống cùng gia đình con gái tại ấp Hố Muôn, xã Long Nguyên (Bàu Bàng, Bình Dương).
“Ngày 9/1 vừa qua, tỉnh Bình Dương có tổ chức lễ mừng thọ 121 tuổi cho mẹ của chúng tôi. Sau đó mẹ được nhận giấy mừng thọ của Ban chấp hành Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam.
Hôm đó, con cháu, chắt chút và họ hàng đều thu xếp để về chung vui, cùng lên nhận giấy mừng thọ. Ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc và tự hào khi trong nhà có một “cây cao bóng cả”, con rể của cụ Hằng chia sẻ.
Người đàn ông ngoài 70 tuổi cho biết thêm, cụ Hằng sinh được 3 người con gái, chồng mất từ khi còn trẻ. Từ đó cụ ở vậy nuôi các con lớn khôn, làm đủ nghề từ cấy cày cho đến buôn thúng bán mẹt với hi vọng có thể nuôi nấng các con nên người, được học hành tử tế.
“Tôi là người dân tộc Kinh. Tôi không nhớ mình bao tuổi, cũng chẳng còn chút ký ức về việc lấy chồng từ khi nào. Tôi chỉ biết chồng tôi chết cách đây 60-70 năm trước. Tôi ở vậy nuôi 3 đứa con gái, cho ăn học đàng hoàng”, cụ Hằng thông tin.
“Thời điểm đó cụ còn trẻ, sao không đi thêm bước nữa?”, khi được hỏi, cụ Hằng trả lời chốc nhát, câu được câu chăng. Lúc này con rể lớn của cụ kế lời: “Mẹ tôi ở vậy nuôi 3 con cái đến hết cuộc đời. Ngày xưa cụ khỏe mạnh, chúng tôi hỏi vì sao không đi thêm bước nữa để có người bầu bạn và đỡ đần. Cụ trả lời rằng lấy chồng sẽ không thể chu toàn cho các con gái. Do đó cụ quyết định ở vậy và làm lụng vất vả, gánh kinh tế gia đình.
Bởi vậy giờ con cháu ai cũng thương yêu, chăm sóc từng chút một. Bà hiện vẫn ăn được thìa cơm với rau, không ăn cá thịt. Song song với đó con cháu sẽ để bà ăn sâm, nước yến và cứ 2 tuần sẽ truyền đạm một lần. Như vậy bà mới có sức vui cùng con cháu”, người đàn ông nói.
Nhắc đến chuyện cụ Hằng có minh mẫn hay không, con gái lớn của cụ cho biết cụ lúc tỉnh lúc không, thi thoảng sẽ nói chuyện nhiều với con cháu trong nhà. “Mẹ tôi cứ buồn buồn là nói chuyện, toàn chuyện của ngày xưa thôi.
5 năm trước, bà minh mẫn và tỉnh táo lắm. Giờ bà cứ lúc nhớ lúc không. May mắn bà vẫn khỏe, tóc vẫn đen nháy như người vừa bước qua tuổi 70, tai vẫn còn đeo vàng. Thi thoảng bà muốn đi đâu phải có con cháu dìu, chứ lưng còng, đứng dậy khó lắm”, con gái cụ Hằng tâm sự.
Cụ Hằng hiện có lương hưu. Tháng nào con gái lớn cũng đi lĩnh giúp rồi đưa cụ giữ vài ngày. Sau đó cụ sẽ đưa lại để lo chi phí ăn uống hằng ngày. “Bà ngoại mình làm vậy để có cảm giác bản thân vẫn có tiền, tự lo cho cuộc sống của mình. Bà không muốn phụ thuộc vào con cháu trong nhà.
Bởi vậy chúng minh vẫn hay đùa rằng bà giàu có nhất nhà. Bà vui lắm, cứ cười hoài thôi. Tết Nguyên đán vừa rồi, bà mừng tuổi hết con cháu, chắt chút. Đặc biệt đứa nào càng lớn, đang đi học đại học sẽ được mừng tuổi nhiều hơn đám nhỏ.
Bà bảo đi học cần đến tiền để mua sách vở, đóng học phí hoặc mua quần áo đẹp mặc nên mừng tuổi nhiều. Ai nhận được lì xì cũng lễ phép nhận và chúc bà thật khỏe mạnh”, cháu ngoại của cụ Hằng cho hay.
Hiện tại cụ Hằng có 50 người cháu, chắt, chút. Cụ vẫn có thể bế bồng và dỗ dành các chút lên 1 lên 2. “Nhiều người thấy mẹ tôi khỏe vậy chẳng tin 121 tuổi. Lúc đó tôi lại phải giải thích để họ hiểu rằng bà không hề cao tuổi như vậy.
Theo giấy tờ, mẹ tôi sinh năm 1903, tức năm nay 121 tuổi. Song thực tế bà sinh năm 1923, có nghĩa mới 103 tuổi. Song vì sự sai sót giấy tờ từ ngày xưa mà bà thành nhiều tuổi như thế”, con rể cụ Hằng nói.
Người đàn ông nói, cụ Hằng quê gốc ngoài Thanh Hóa, gia đình từng nhiều lần ra ngoài đó xin cấp lại giấy tờ nhưng không sửa được. Bởi vậy cụ đã vô tình trở thành cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam còn sống.
Theo Ngọc Hà (Tri thức & Cuộc sống)