GiadinhNet – Ngủ dậy, anh N.V.H giật mình phát hiện mình bị méo miệng. Theo bác sĩ, thói quen không tốt trước khi ngủ khiến khuôn mặt biến dạng như của anh H cũng gặp ở nhiều người. Đặc biệt thời tiết hiện nay đang trở lạnh, mọi người càng cần lưu ý.
Méo miệng vì lạnh đột ngột
Anh N.V.H, 36 tuổi tại Hà Nội cho biết, trước đó mặt anh hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, buổi tối, anh đi uống rượu, bia và về nằm ngủ tại phòng, bật điều hòa ở nhiệt độ lạnh. Buổi sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy xuất hiện tê bì nặng mặt bên phải, mắt phải nhắm không kín, khi soi gương thấy méo miệng.
Anh đã vào bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI sọ não – động mạch não để kiểm tra rất may không phát hiện bất thường. Kết luận chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 do lạnh. Bệnh nhân được tư vấn điều trị ngoại trú, phục hồi chức năng, chăm sóc mắt.
Liệt dây thần kinh 7 hay gặp do lạnh đột ngột
Trực tiếp khám, điều trị cho anh H, BS Bùi Thị Thanh – Chuyên khoa Thần kinh (BV Đa khoa MEDLATEC) cho biết, dây thần kinh số 7 còn gọi là dây thần kinh mặt là một dây hỗn hợp có đầy đủ chức năng của một dây thần kinh ngoại vi bao gồm: vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ.
Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cơ vùng mặt mất cân đối, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khả năng giao tiếp… Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến liệt dây thần kinh số 7. Đa số các trường hợp mắc là do bị nhiễm lạnh đột ngột.
Liệt dây thần kinh 7 hay gặp ở mùa đông hơn mùa hè. Cụ thể, đoạn dây thần kinh số 7 nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh vì không có cơ che phủ dây thần kinh. Khi gặp lạnh đột ngột, không khí lạnh buốt từ bên ngoài khiến càng nhanh bị nhiễm lạnh hơn, mạch máu bị co thắt lại, gây thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm làm cho dây thần kinh phù lên, bị chèn ép và dẫn đến liệt.
“Trường hợp như anh H, sau khi uống rượu bia nằm điều hòa lạnh đột ngột trong thời gian dài đã dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ngoại bên gây biểu hiện méo miệng khi ngủ dậy. Đây cũng là thói quen không tốt khi đi ngủ gặp ở nhiều người” – BS Thanh cho hay.
Ngoài ra, BS Thanh còn chỉ ra một số các nguyên nhân khác như: Do chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm; mắc các bệnh lý viêm tai giữa, bệnh Lyme, hội chứng Guillain-Barré (GBS), bệnh u hạt – Sarcoidosis…; mắc các bệnh lý về mạch máu như: Viêm quanh động mạch, đái tháo đường…
Cách hạn chế liệt dây thần kinh số 7
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc, cuộc sống của người bệnh như gây mất hoặc giảm vận động cơ mặt kèm theo những rối loạn về cảm giác, phản xạ, bài tiết tuyến lệ và tuyến nước bọt… làm mất thẩm mỹ khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày.
Không chỉ vậy, bệnh tiến triển nặng hơn sau 48 giờ có thể gây các biến chứng như loét giác mạc, rối loạn tuyến nước mắt, co giật, co cứng cơ mặt, thậm chí mù lòa do mắt không thể nhắm được hoàn toàn gây khô mắt, tổn thương niêm mạc.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần lưu ý để hạn chế bị liệt dây thần kinh số 7: Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh; Giữ ấm cơ thể vào mùa đông; Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp khi đi ngủ hạn chế lạnh đột ngột…
Bệnh nếu không phát hiện để càng muộn nguy cơ biến chứng càng cao. Do đó, khi có các biểu hiện liệt mặt do tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên cần nhanh chóng tới bệnh viện để được khám và hỗ trợ điều trị ngay. Các biểu hiện dễ nhận thấy là: Cảm giác tê một bên mặt, mất cảm giác, vị giác của 2/3 trước lưỡi; Hai bên mặt không cân đối, nhân trung, miệng lệch về phía bên lành, không thể nhắm kín mắt để lộ nhãn cầu nhìn lên trên và ra ngoài, má xệ….
Liệt dây thần kinh số 7 ở trẻ nhỏ, đừng làm điều này nếu không muốn hại con
GiadinhNet – Trong những ngày thời tiết lạnh, có nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7. Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng bị. Theo các chuyên gia, liệt dây thần kinh số 7 cần phải điều trị sớm nếu không dễ để lại di chứng và tuyệt đối đừng làm những điều sai lầm dưới đây.
Hà My