3 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường thường gặp nhưng hay bị người trẻ bỏ qua

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý rối loạn chuyển hóa rất phổ biến và đang trẻ hóa nhanh do lối sống và môi trường hiện đại.

Tiểu đường có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ người già đến người trẻ, thậm chí là trẻ sơ sinh. May mắn là nhờ sự phát triển trong công nghệ y học, việc điều trị căn bệnh này đã có nhiều bước tiến khả quan.

Tuy nhiên, bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm và chỉ có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn chưa chuyển biến nặng. Vì vậy, ngoài các triệu chứng đặc hiệu như ngứa da, tê hoặc ngứa tay chân, giảm thị lực, lâu lành vết thương… thì cũng đừng bỏ qua 3 dấu hiệu bất thường trong ăn uống sau đây:

1. Luôn khát nước và uống nhiều nước

Uống nhiều nước là thói quen tốt nhưng nếu đột nhiên bạn thường xuyên cảm thấy khát, uống nhiều nước hơn hẳn bình thường thì hãy cẩn trọng với bệnh tiểu đường. Thông thường, triệu chứng này sẽ đi kèm với việc đi tiểu nhiều hơn, cụ thể là trên 7 lần mỗi ngày.

 - Ảnh 1.

Bởi vì khi lượng đường huyết lên cao, cơ thể khó mà hấp thụ glucose khi nó được vận chuyển qua thận, khiến thận bị quá tải. Điều này tạo ra nhiều nước tiểu hơn, đồng nghĩa với việc cơ thể cần thêm dịch, cơ thể lại phát tín hiệu để bạn uống nhiều nước hơn.

Đây là 1 vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại, không chỉ gây bất tiện cho sinh hoạt mà còn gây ra nhiều vấn đề tiết niệu, thận nếu không phát hiện bệnh tiểu đường và điều trị sớm.

2. Hay cảm thấy đói

Chứng thèm ăn hoặc đói dữ dội cũng là một dấu hiệu cảnh báo sớm nhưng thường bị bỏ qua của bệnh tiểu đường.

Cảm giác đói là do lượng đường trong máu của bạn quá cao hoặc quá thấp. Đường đảm nhiệm chức năng nuôi tế bào trong cơ thể, khi các tế bào không thể hấp thụ đường do thiếu insulin, cơ thể bạn sẽ phát tín hiệu cần thêm đường để nuôi tế bào. Từ đó sinh ra các cơn đói cồn cào trong ruột khiến người mắc bệnh tiểu đường lúc nào cũng cảm thấy thèm ăn.

 - Ảnh 2.

Đồng thời, cơ thể bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi hơn, ngay cả sau khi lấp đầy cái bụng đói. Vì cơ thể chuyển đổi thức thành glucose để cung cấp năng lượng, nhưng tế bào cần insulin để hấp thụ glucose. Do tiểu đường khiến bạn không tạo ra đủ insulin hoặc kháng insulin, dẫn đến bạn luôn trong trạng thái vừa mệt vừa đói.

3. Giảm cân nhanh

Mặc dù luôn thèm ăn và ăn nhiều hơn nhưng bệnh nhân tiểu đường lại thường bị sụt giảm cân nặng, nhất là ở giai đoạn đầu của bệnh.

 - Ảnh 3.

Cơ thể chúng ta giống như một cỗ máy vậy, muốn có năng lượng phải thông qua insulin để hấp thụ glusose. Nhưng tiểu đường khiến cơ thể thiếu insulin hoặc kháng insulin, làm quá trình này không thể diễn ra hoặc bị trục trặc.

Lúc này, cơ thể buộc phải phân hủy một lượng lớn chất béo và chất đạm để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các hoạt động hàng ngày. Đồng thời, thiếu insulin cũng dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, trong khi nhu cầu lại tăng lên, dẫn đến dù ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh chóng.

Để phòng tránh bệnh tiểu đường, hãy luôn cố gắng kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, béo phì. Cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau và hoa quả tươi, ít thực phẩm giàu carbohydrate. Ngoài ra, hãy tập thể dục hàng ngày và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *