Bạn có thể không thèm ăn gì khi bị ốm nhưng một số loại thực phẩm sẽ giúp làm giảm bớt các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu của bệnh.
Thời tiết giao mùa, nền nhiệt thay đổi thất thường, độ ẩm tương đối cao khiến nhiều người cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, sức đề kháng giảm dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp như cảm cúm, viêm họng, viêm mũi, sốt,…
Khi bị ốm, mọi người thường không muốn ăn, khó tiêu hóa, cảm giác buồn nôn hoặc đầy chướng bụng sau khi ăn. Việc chọn lựa đúng loại thực phẩm khi bị ốm có thể làm giảm các triệu chứng, giúp cơ thể nhanh hồi phục.
1. Thịt gà giàu dinh dưỡng
Có một số quan niệm cho rằng những người bị ốm sốt do cảm cúm hoặc ho nhiều không nên ăn thịt gà sẽ và làm cho bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo người bệnh không nên kiêng loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này.
Thịt gà là loại thực phẩm protein cao, ít chất béo có hại, cung cấp nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết vừa giúp người bệnh nhận đủ dưỡng chất để tăng cường thể lực và phục hồi sức khỏe một cách hiệu quả, vừa dễ tiêu hóa và hấp thụ.
Thịt gà là nguồn cung cấp các loại vitamin và khoáng chất dồi dào như vitamin B6, B12, selen, sắt, kẽm,… giúp củng cố hệ miễn dịch.
2. Đậu giàu chất xơ
Việc ăn uống thất thường và ít vận động khi bị ốm dễ khiến bạn bị táo bón. Thực phẩm giàu chất xơ giúp giảm táo bón bằng cách làm mềm phân khi bạn uống đủ nước. Các loại đậu, bao gồm đậu đen, đậu thận và đậu nành, là nguồn cung cấp chất xơ phong phú. Đậu khô cũng là nguồn cung cấp magie, giúp làm giảm đau nhức cơ thể và cơ bắp. Một số bằng chứng cho thấy magie làm giảm chứng viêm, thường gây đau nhức khi cơ thể bị nhiễm virus.
3. Ngũ cốc và bột yến mạch
Chọn bột yến mạch nguyên hạt và ngũ cốc dạng cám nếu bạn có triệu chứng táo bón. Những loại ngũ cốc này có chất xơ giúp điều chỉnh nhu động ruột hoạt động. Lưu ý nhớ uống nhiều nước trong bữa ăn giàu chất xơ như bột yến mạch. Chất lỏng giúp giảm táo bón bằng cách làm cho phân dễ dàng đi qua.
4. Uống đủ nước khi bị ốm
Khi bị ốm, cơ thể dễ thiếu nước và càng gây mệt mỏi. Do đó việc cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng các món ăn lỏng, nhiều nước như canh, cháo, súp là rất cần thiết. Bạn cũng nên uống nhiều nước để các tế bào hoạt động tối ưu hơn. Uống nước cũng giúp cổ họng bạn không bị khô, cổ họng khô khiến tình trạng đau họng trở nên trầm trọng hơn. Các chuyên gia khuyên nên uống 8-10 cốc nước hàng ngày. Nhu cầu chất lỏng phụ thuộc vào mức độ hoạt động, môi trường, tình trạng sức khỏe và cân nặng của bạn.
Khi bị ốm việc cung cấp đủ nước là rất quan trọng.
Uống trà xanh ấm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu khi bị ốm và đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể. Nếu bạn bị sổ mũi, một loại trà thảo mộc nhẹ nhàng như trà bạc hà giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Trà gừng giúp làm dịu dạ dày. Gừng có đặc tính chống viêm có tác dụng làm giảm buồn nôn. Các loại nước quả tự nhiên như nước dừa, nước ép trái cây tươi cũng phù hợp với người ốm cần bổ sung vitamin.
5. Trứng thích hợp cho người ốm
Một số lời khuyên cho rằng trứng giàu calo nên những người bị ốm sốt không nên ăn trứng dễ khiến thân nhiệt tăng nhanh. Điều này chưa được kiểm chứng rõ ràng. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trứng nấu chín là một phần của chế độ ăn lành mạnh.
Trứng chứa protein, nhiều loại vitamin và khoáng chất như canxi, kali, kẽm rất có lợi cho sức khỏe. Protein trong trứng là loại protein dễ hấp thu nên thích hợp cho những người bị ốm giúp phục hồi sức khỏe.
6. Cá béo
Cá béo là nguồn cung cấp acid béo omega-3. Omega-3 giúp giảm viêm hiệu quả, một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc cúm. Một số bằng chứng cho thấy omega-3 cũng có thể làm giảm bớt các vấn đề về da như ngứa, có thể là triệu chứng của dị ứng.
7. Trái cây và rau củ
Các loại trái cây và rau củ đều tốt cho người bị ốm.
Một số loại trái cây và rau nấu chín trong món súp hoặc món hầm rất tốt cho người bị ốm. Ví dụ, nước sốt táo, chuối và khoai tây cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu mà bạn có thể bị mất nếu bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Nước sốt táo là nguồn cung cấp kali và vitamin C nhưng có ít chất xơ hơn táo có vỏ. Chuối và khoai tây cũng chứa kali, kali. Khoai tây nướng hoặc nghiền cũng đủ mềm để ăn nếu bạn bị đau họng. Ngoài ra, polyphenol – các hợp chất thực vật trong rau lá xanh đã được chứng minh là làm giảm chứng viêm gây đau nhức khi bị bệnh.
8. Quả hạch và hạt
Các loại hạt chứa chất xơ, giúp giảm bớt và ngăn ngừa táo bón. Hạt chia, hạt lanh và quả óc chó cũng là nguồn cung cấp omega-3, giúp giảm viêm nếu bạn bị đau nhức cơ thể, đau tai hoặc ngứa.
9. Sữa chua ít béo hoặc không béo
Sữa chua là nguồn cung cấp men vi sinh hoặc vi khuẩn hỗ trợ sức khỏe đường ruột . Probiotic có thể giúp giảm tiêu chảy.
Lựa chọn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, bao gồm cả sữa chua, nếu bạn bị tiêu chảy hoặc đau bụng. Sữa chua Hy Lạp có thể thay thế sữa chua truyền thống nếu cơ thể bạn tiêu hóa kém đường lactose.
Thiên Châu