Bé trai 12 tuổi bị chó nhà nuôi, thuộc giống H’mông cộc đuôi (chó lai sói), cắn dập nát nửa mặt, gây ra nhiều vết thương nham nhở.
Sau tai nạn vì bị chó lai sói tấn công, bé được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) với tổn thương biến dạng, dập nát nửa mặt trái, vết thương nham nhở lộ gân cơ vùng má, thái dương, ống tuyến nước bọt. Bé cũng bị tổn thương vùng mắt cùng nhiều vết thương vùng gáy chảy máu nhiều.
Bệnh nhi đã được hội chẩn nhanh chóng bởi các chuyên khoa Mắt, Vi phẫu tạo hình, Răng – Hàm – Mặt, Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật, cắt lọc tổ chức dập nát, làm sạch vết thương; xử trí khâu các vết thương vùng cổ, gáy, khâu nối ống lệ đạo, ống tuyến nước bọt, khâu phục hồi sụn mi góc mắt dưới theo giải phẫu.
Ngoài ra, ê-kíp xoay vạt tại chỗ khâu phục hồi tổn khuyết vùng má trái; ghép da mỏng vùng mi trên mắt trái để bảo đảm chức năng mắt, ăn nhai và thẩm mỹ sau này cho cháu bé.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 3 giờ, gương mặt bé được bảo toàn. Hiện tình trạng sức khỏe của bé dần hồi phục.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Trưởng kíp Vi phẫu, cho biết ở người lớn, vết thương do chó cắn hay gặp ở chân và tay, nhưng ở trẻ em do độ cao tầm mặt của các em bé thường ngang với tầm miệng và chân của chó, do đó xác suất bị tổn thương ở vùng mặt là khá cao.
Vết thương mặt do chó gây ra thường là vết cắn xé do răng, vết rách nát do cào xước của móng vuốt và những vùng tụ máu do va đập. Hình ảnh điển hình của vết thương chó cắn là một vùng giải phẫu rộng lớn bị rách nát, xảy ra ở nhiều vị trí, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như mắt, mũi, miệng, tai…
Đặc biệt vết thương do chó cắn dễ bị nhiễm các loại tạp khuẩn, nhiễm virus bệnh dại từ nước bọt của chó và nhiễm uốn ván từ móng vuốt chó.…
Vì thế, việc điều trị vết thương do chó gây ra thường rất phức tạp, tốn kém, thường để lại những di chứng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng khuôn mặt.
Để phòng tránh chó cắn, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với chó nhà; tránh đùa giỡn chọc phá chó, tránh thâm nhập vào địa phận dành riêng cho chó, tránh lại gần chó lạ. Đối với các bậc cha mẹ, nếu nhà có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó.
Trong trường hợp cần thiết phải nuôi chó cần lưu ý xích nhốt chó ở nơi biệt lập mà trẻ em không có khả năng tới; không tập hay huấn luyện chó những động tác hiếu chiến, chích ngừa đầy đủ cho chó.
Cha mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ biết cách tự bảo vệ vùng đầu mặt của mình khi không may bị chó tấn công bằng động tác như sau: cuộn tròn người lại như trái bóng, hai tay ôm chặt lấy đầu và mặt.
Theo Võ Thu (VietNamNet)