Đứa trẻ khoảng 10 tuổi, trong cơn giận dữ còn đánh cả em út, thậm chí bảo em “Chết đi”.
Nuôi dạy được những đứa trẻ vui vẻ, chăm chỉ học bài, tự giác làm việc nhà có lẽ là ước mơ của nhiều phụ huynh. Được rèn luyện từ nhỏ, chúng có thể sẽ có tính cách độc lập, biết tự chăm sóc bản thân và người khác khi lớn lên.
Nhưng hành trình rèn con không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có đôi khi, cha mẹ vấp phải sự phản ứng dữ dội của con, dù đang muốn tốt cho trẻ. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Liên (Văn Lâm, Hưng Yên) và cậu con trai lớn (khoảng 10 tuổi) được chương trình thực tế “Cha mẹ thay đổi” do VTV7 thực hiện đã khiến nhiều người tái hiện ký ức tuổi thơ.
Con mắng mẹ, đánh em khi phải làm việc nhà: Đứa trẻ hư hay mẹ dạy sai cách?
Chị Liên muốn rèn giũa cậu con trai lớn biết làm việc nhà, nên thường sai cậu bé phơi quần áo, nấu cơm, rửa bát. Việc gì con chưa biết, chị sẽ hướng dẫn qua rồi bắt con làm.
Trong một lần sai con đi phơi quần áo, cậu bé phản ứng lại. Cuộc hội thoại sau đây diễn ra khá gay gắt, bắt đầu từ việc chị Liên lên giọng, chỉ vào mặt con:
– Đi phơi quần áo, nhanh!
– Mẹ là đồ nói dối. (Đứa trẻ gào khóc)
– Phơi không? Có phơi không? Nhanh! Không tí tao cho mày ăn đòn đấy!
– Mẹ đi mà phơi quần áo, con còn lâu. Phơi quần áo có ích gì? Phơi cho mẹ, mẹ chẳng cho cái gì. Tốn sức. (Cậu bé vẫn khóc i ỉ, vừa đi lên tầng vừa vùng vằng)
Nhìn thấy em út đang đứng trên cầu thang, cầu bé vừa khóc vừa đánh vào người em, khiến đứa trẻ khóc ré lên. Chị Liên tức giận lao lên cầu thang, quát: “Thằng bé nó làm cái gì mà đánh nó”. Cậu con lớn gào to: “Cho nó chết luôn đi! Đập chết thằng bé đi!”.
Trong khi chị Liên chạy vội lên ôm, vỗ về cậu con út, người anh gạt nước mắt, lên tầng trên phơi quần áo cho mẹ.
Chị Liên cười ngượng, lý giải rằng con trai lớn rất hay tị nạnh với em, và “lúc này là lúc thể hiện bản chất đây”, khi nghe thấy tiếng đập phá trên tầng.
Ở trên phòng phơi đồ, cậu bé vùng vằng ném quần áo, tự đánh mình, chui vào một xó tối và khóc. Cậu thổ lộ, cậu cảm thấy chán, tức giận vì suốt ngày phải làm việc nhà giúp mẹ. Cậu bé cũng thường xuyên cãi lại mẹ, chống đối mẹ mỗi khi bị ép làm việc nhà.
Một lần khác, chị Liên bảo con đi rửa bát. Người bố đang nằm trên võng xem điện thoại, mắt không rời màn hình, nói vọng: “Mẹ rửa bát cho nó đi!”. Chị Liên không chịu, khăng khăng bắt con trai lớn phải rửa bát. Hai đứa em giữa cũng hùa theo mẹ, bảo anh: “Ra đi, rửa bát đi không mẹ đánh bây giờ”.
Vừa bê mâm bát, cậu anh vừa giận dữ quát: “Làm cho mà chẳng biết trả ơn gì, toàn chửi với mắng. Chẳng làm gì sai cũng chửi. Mẹ tự đi mà rửa”.
Chị Liên cũng tức giận vì con cãi mình, quay lưng bỏ đi. Cậu con trai vừa khóc vừa làu bàu: “Mẹ là cái đồ ích kỷ”.
Khi được mẹ yêu cầu khi mẹ yêu cầu rửa lại bát đĩa vì chưa đạt yêu cầu, cơn giận dữ của cậu con trai lớn bùng nổ. Cậu gọi mẹ là “mụ kia”, thách thức: “Không cho đi học thì đốt sách đi” và ném bát đĩa vào chậu, không tiếp tục rửa bát nữa.
Đoạn video khiến nhiều người đồng cảm, thấy quen quen, vì cũng gặp tình trạng tương tự với con mình. Một số người mẹ cho biết, họ bối rối, bất lực khi con cãi lại, nói hỗn, và chỉ còn cách quát, đánh để con nghe lời.
Nhưng cũng có người cảm thấy xót xa, nhìn thấy mình trong hình ảnh của bé trai:
– “Câu chuyện này làm tôi nhớ về tuổi thơ của mình. Tôi biết bố mẹ mình không phải người xấu. Họ cũng chỉ muốn tốt cho con cái thôi. Nhưng sao làm tốt được với một phương pháp sai? Nuôi dưỡng con cái theo kiểu muốn con làm theo ý mình, nhưng chẳng bao giờ để ý như cầu của con, dùng quyền lực cưỡng chế thay vì tình yêu”.
– “Dạy một đứa trẻ toàn bạo lực ngôn ngữ và đòn roi, lớn lên nó sẽ có xu hướng dễ dàng làm tổn thương người khác hoặc tổn thương chính mình. Ngày xưa mình cũng bị dạy bằng đòn roi và chửi mắng, đến bây giờ mình đôi khi có những xu hướng bạo lực khi nóng giận. Mình cũng không thoải mái nói chuyện hay tâm sự với ba mẹ, rất khó để chia sẻ”.
Đòn roi có phải là giáo dục, có phải là tình yêu?
Chị Liên cho biết, chị cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi ở nhà với 4 đứa trẻ. Chị muốn rèn con trai lớn làm việc nhà để hỗ trợ mình. Khi con không nghe lời, chị thường đánh con, “khi bằng que củi, lúc bằng cán chổi, dây điện, gặp cái gì là quật cái đó”.
Giáo sư Peck Cho (Đại học Korea – Hàn Quốc, Uỷ viên Hội đồng Cố vấn chính sách – Bộ Giáo dục Hàn Quốc) phân tích: “Chúng ta dùng hình phạt không phải vì đó là cách hiệu quả để khiến con tốt hơn. Chúng ta dùng hình phạt vì nó rất là tiện, chúng ta dùng lúc nào cũng được. Nó còn chẳng tốn tí tiền nào.
Nhưng quan trọng là chúng ta dùng hình phạt vì đó là cách duy nhất mà chúng ta biết. Đó là cách mà bố mẹ chúng ta đã dùng với chúng ta. Khi chúng ta còn bé, chúng ta bị bố mẹ mình đánh. Chúng ta đều biết là chẳng có chút tình yêu nào trong đòn roi cả”.
Chị Liên xác nhận, hồi nhỏ chị cũng bị bố mẹ đánh. Nhớ lại lúc đó, chị cho hay: “Đầu tiên cảm thấy rất tức giận, sau đó tủi thân, sau đó muốn đi một chỗ nào đó chơi. Tôi cảm thấy mình như người thừa, không phải là một thành viên trong gia đình”.
Tất cả những cảm xúc này của chị Liên cũng đang tái lặp ở cậu con trai nhỏ. Cậu bé chia sẻ, cậu không cảm thấy yêu em, không cảm thấy được bố mẹ yêu, về nhà là chán ngán.
Giáo sư Peck Cho nhấn mạnh: “Không ai cảm nhận được tình yêu thương khi bị đánh cả. Vậy tại sao chúng ta lại tin rằng chúng ta đánh con vì ta yêu chúng? Bố mẹ nghĩ rằng vì bố mẹ yêu con, bố mẹ muốn con thành công sau này, muốn con hạnh phúc sau này nên bố mẹ đánh con. Hai điều này không liên quan đến nhau”.
Cách chị Liên ứng xử, dạy con trai không phải là cá biệt. Nhiều bậc cha mẹ xác nhận, họ từng được nuôi dạy theo kiểu “thương cho roi cho vọt” và vẫn trưởng thành lành mạnh, nên cho rằng đòn roi, nghiêm khắc là cần thiết. Nhưng cũng không ít người đã phải vật lộn với những tổn thương trong quá khứ, gặp khó khăn trong các mối quan hệ và xa cách với cha mẹ.
Những lời mắng mỏ và đòn roi, theo một cách nào đó, có thể uốn nắn trẻ em vào khuôn khổ. Nhưng đó không phải cách duy nhất và tốt nhất để giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn một đứa trẻ, để chúng lớn lên lành mạnh và tự tin.
Theo Thiên Yết (Nguoiduatin.vn)