Đồ ăn thức uống nóng hôi hổi vừa được chế biến xong, bạn nhanh chóng đổ ngay vào hộp nhựa cho mình, cho người thân mang đi làm, đi học… Bạn ngồi tưởng tượng những món ăn lành mạnh của mình giúp người thân yêu hài lòng ra sao. Bạn có biết mình vừa vô tình gieo mầm bệnh?
Đồ nhựa là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại vì quá đa năng, tiện dụng. Trong nhà bếp, đồ nhựa càng đặc biệt được quan tâm. Vì mỗi sáng thức dậy vội vã lại muốn mang cơm nhà đi làm nên cứ sau khi những món ăn vừa đun xong còn nóng hôi hổi, chúng ta vội vàng xúc vào hộp nhựa để kịp mang cơm đi ăn buổi trưa nơi làm việc.
Hay những món ăn vẫn còn nóng rực trên bếp nhanh chóng được đổ ra những chiếc bát nhựa để cho nguội bớt, để cả nhà cùng có bữa cơm nhanh nhanh vội vội tối ngày cùng nhau. Ra đường, chúng ta mua vội gói xôi nóng hổi bọc trong túi ni lông, trong hộp xốp vốn là những dạng đồ nhựa dùng một lần, dùng xong thì vứt đi là chẳng còn lo ngại gì?…
Cứ thế, đồ nhựa đựng thức ăn nóng trở thành thói quen khó bỏ của người Việt.
Thế nhưng, sử dụng đồ nhựa dường như vẫn còn nhiều bất cập. Nhất là đối với đồ ăn thức uống đang còn nóng hôi hổi đã được vội vàng đổ vào hộp, món ăn còn nóng đã vội cho vào túi ni lông. Phải vậy thôi, chúng ta còn tiết kiệm được thời gian đi làm, đi học… Nhưng cứ như thế, ngày nào cũng đều như vắt tranh dùng đồ nhựa kiểu này, chuyên gia nhận định bạn đang gieo mầm bệnh cho chính mình và người thân.
Đồ nhựa đựng thức ăn nóng dễ sinh độc, nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thực tế, sản xuất ra đồ nhựa là một bước tiến của công nghệ, đảm bảo độ tiện lợi. Nhưng đồ nhựa nói chung cũng có nhiều nguy cơ.
Đồ nhựa được chế tạo không phải để chịu nhiệt.
“Tất cả nhựa đều là polyme, được làm từ các mắt xích monome. Mắt xích không tự sinh ra trong tự nhiên mà phải trải qua quá trình nhân tạo trong tự nhiên, nối với nhau tạo thành. Chất có gây độc hại hay không hiện nay vẫn còn là cuộc tranh cãi. Trong hiện tại, nó vẫn là cách đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, xét về nguyên tắc, đồ nhựa được chế tạo không phải để chịu nhiệt. Do đó, việc nấu hay đựng, bảo quản đồ ăn nóng dù trong hoàn cảnh nào cũng là điều tối kỵ”, ông Thịnh cho hay.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lý giải, ở nhiệt độ cao, nhựa và thực phẩm sẽ bị biến dạng và xảy ra phản ứng hóa học, tạo ra hóa chất có lượng độc tố, dẫn đến tình trạng phơi nhiễm độc.
Khi đi vào cơ thể, những chất này sẽ len lỏi vào các cơ quan nội tạng, đi vào máu, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Điều đáng nói, nguy cơ gây bệnh có thể chưa xuất hiện ngay trước mặt mà tích lũy dần thành những bệnh mãn tính, khi phát bệnh thì đã muộn.
Ở nhiệt độ cao, nhựa và thực phẩm sẽ bị biến dạng và xảy ra phản ứng hóa học, tạo ra hóa chất có lượng độc tố, dẫn đến tình trạng phơi nhiễm độc.
“Dùng đồ nhựa đựng thức ăn nhiều muối, đồ ăn nhiều dầu mỡ còn làm phát sinh các độc tố có hại trong quá trình bảo quản. Ngoài ra, nhiều người dân còn có tâm lý tận dụng đồ nhựa dùng đi dùng lại nhiều lần, một món ăn có thể dùng tới vài tháng, đựng thực phẩm trong đồ nhựa đến cả năm mới đem ra nấu ăn… thì nguy hại càng khó lường. Thói quen này cũng cần vứt bỏ ngay”, ông Thịnh cho hay.
Không dùng đồ nhựa đựng thức ăn nóng tùy tiện, giải pháp nào cho chúng ta?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như cả gia đình, tốt nhất không nên sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn nóng trực tiếp, dù là dạng đồ nhựa nào đi chăng nữa, được quảng cáo tốt thế nào, có thể chịu nhiệt ra làm sao. Riêng với đồ nhựa dùng một lần thì tốt nhất không sử dụng, nếu có sử dụng thì chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ để được thu lại và tái chế.
Với đồ nhựa dùng một lần thì tốt nhất không sử dụng, nếu có sử dụng thì chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ để được thu lại và tái chế.
Nếu có nhu cầu sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn, chúng ta nên chọn những hãng uy tín, có thương hiệu. Khi đựng thực phẩm trong hộp nhựa chỉ nên đựng những loại đồ khô, ít dầu mỡ, ít muối, tránh tối đa bảo quản ở nhiệt độ cao để hạn chế mối nguy hại cho sức khỏe.
“Đặc biệt, dù là đồ nhựa cao cấp như thế nào cũng không nên tái sử dụng nhiều lần. Nếu thấy hộp đựng, khay đựng hay bát thìa nhựa… bị xước xát, cũ kỹ nên thay mới để đảm bảo sức khỏe hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tốt nhất nên đựng đồ dùng làm bằng sứ hoặc thủy tinh để đựng thức ăn”, chuyên gia nhấn mạnh.