Câu chuyện về nhà ăn Tết tuy quen thuộc nhưng cứ đến độ cuối năm nó lại là vấn đề được thảo luận trong mỗi gia đình.
Sau khi lấy chồng xa mới biết cảm giác nhớ nhà là như thế nào. Nhất là những khi đến các ngày lễ, Tết, những người phụ nữ lấy chồng xa nhà lại càng nặng trĩu tâm tư.
Nếu như có một ông chồng thấu hiểu tạo điều kiện cho vợ về thăm nhà thì cô còn được an ủi phần nào. Tuy nhiên, thực tế chẳng mấy ai được như thế.
Mỗi dịp cuối năm, nhiều phụ nữ lấy chồng xa lại bắt đầu phải đối mặt với câu hỏi: Tết này có về thăm quê hay không?
Người phụ nữ lấy chồng xa
Mới đây, một người phụ nữ đăng video chia sẻ chuyện bàn tính việc ăn Tết cuối năm của gia đình.
“Tôi đã 5-6 năm nay chưa về ăn Tết nhà bố mẹ đẻ, có vẻ như năm nay cũng không có cơ hội đó nữa”, cô chia sẻ.
Theo đó, cô và chồng đều là người tỉnh khác, đi làm ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Cả hai tự do yêu đương rồi quyết định kết hôn. Khi còn trẻ, cô nghĩ rằng tình yêu là quan trọng nhất, chỉ cần chồng tốt thì đi đâu cũng được.
Lúc đó, bố mẹ cô cũng bày tỏ sự lo lắng khi con gái lấy chồng xa nhưng cô rất bình thản và an ủi: “Giao thông bây giờ rất phát triển, chỉ cần bố mẹ nhớ thì con sẽ mua vé tàu cao tốc về ngay”.
Bởi vậy nên bố mẹ cô cũng không ngăn cản được nữa, đồng ý kết hôn. Họ mua một căn nhà ở Trùng Khánh rồi định cư ở thành phố này. Sau khi lấy chồng, cô sớm có thai và sinh con. Cũng bởi vì không có ai chăm sóc con nhỏ hộ nên cô đành nghỉ việc và ở nhà chăm cho đến khi con đi học.
Khi con còn nhỏ, cô muốn về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết chồng luôn lấy lí do là con nhỏ để bác bỏ. Hành trình dài như vậy nhỡ có chuyện xảy ra thì làm sao. Bởi vậy, suốt 3 năm sau khi sinh con, cô chỉ về nhà bố mẹ chồng cách đó 300km để ăn Tết. Nhà cô cách 500km thì tạm thời gác lại. Mỗi lần gọi điện về nhà để báo tin cho bố mẹ, bố cô đều thở dài, mẹ cũng buồn bã nhưng không biết nên làm thế nào.
Bố mẹ cô chỉ có một cô con gái, họ cũng nói con đừng chạy đi chạy lại mệt nhọc. Nhưng ai cũng muốn con về quê ăn Tết.
Cứ như vậy đã 5-6 cái Tết trôi qua, cô vẫn chưa thể về nhà, chưa gặp lại bố mẹ mình. Họ đã già yếu, không thế vượt quãng đường xa để đến thăm con.
Câu trả lời của chồng khi vợ muốn về nhà mẹ đẻ ăn Tết
Năm nay, trước Tết hơn 1 tháng, mẹ cô lại gọi điện muốn con gái về ăn Tết: “Con ơi, mỗi đêm Giao thừa, bố con đều nằm trên giường khóc thầm vì nhớ con quá”.
Bởi vậy, năm nay người phụ nữ quyết tâm về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết và bế cả con theo. Cô bàn bạc với chồng và muốn cả gia đình về nhà ngoại một năm. Nếu như không được thì tách ra, hai mẹ con ăn Tết ngoại, bố ăn Tết nội vì con cũng đã lớn rồi, có thể đi đường xa.
Thế nhưng sau khi cô nói xong, chồng đáp lại ngay tức khắc: “Quá tốn kém, một chuyến đi tốn bao nhiêu tiền, làm gì có tiền mà về nhà cô. Lấy chồng rồi thì quên chuyện về nhà ngoại ăn Tết đi”.
Cô vợ nghe xong mà sững người, cố gắng hỏi tiếp: “Nhưng về nhà nội chúng ta cũng chi như thế, có gì khác nhau đâu. Đã 5-6 năm nay em không được về quê rồi”.
Chồng cô đáp lời: “Chuyện đó khác, về quê nội bố mẹ tôi chuẩn bị đồ cả rồi, còn về quê ngoại kiểu gì cũng phải sắm thêm. Hơn nữa cô lâu ngày mới về ai cũng đến thăm, tôi lại phải lì xì cho người già trẻ nhỏ, tốn thêm cả tiền mua đồ tiếp khách. Cô không làm ra tiền thì không biết xót, chỉ biết nghĩ cho mình mà thôi”.
Nghe chồng nói, người phụ nữ chết điếng, không ngờ anh ta tính toán đến như thế. Cô cũng hối hận tột độ vì không cố gắng tìm cách đi làm, phụ thuộc về kinh tế nên bây giờ không có tiếng nói trong nhà.
Đi lấy chồng 5-6 năm, cô chưa một lần được ăn Tết ở quê, không được gặp bố mẹ. Năm nay, có lẽ cô lại tiếp tục thêm một lần “lỡ hẹn”.
Sau khi câu chuyện được đăng tải nhiều người cho rằng vấn đề của gia đình này xảy đến trong rất nhiều cuộc hôn nhân khác. Cũng có thể ông chồng là người sống thực tế, chỉ là cách diễn đạt quá mức thẳng thắn khiến người vợ xót xa.
Tuy nhiên, đa số đều cho rằng ngày Tết ai cũng muốn về với bố mẹ. Nếu như anh ta muốn, cũng có thể tìm cách để vợ được đoàn viên với gia đình ruột thịt sau nhiều năm xa cách chứ không cần nói đến chuyện tiền nong như thế.
Tuy vậy, nói gì thì nói, thu nhập kinh tế cũng đóng vai trò lớn quyết định địa vị trong gia đình. Hi vọng rằng, tất cả những người phụ nữ có thể mạnh mẽ, tự lập và tự chủ hơn. Khi tự chủ về kinh tế thì quyết định đi đâu để ăn Tết cũng có thể đưa ra dễ dàng hơn.
Theo An Thanh (Phụ Nữ Mới)