GiadinhNet – Mắc COVID-19, bệnh nhân có thể phát ban ở thân mình, tay chân, bàn tay bàn chân, ngón chân, với các dát đỏ, sẩn hồng đỏ tím, sưng nề…
Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 mới nhất vừa được Bộ Y tế ban hành, khi mắc COVID-19 ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể có những biểu hiện trên da với triệu chứng ngứa, đau/bỏng rát ở da với hình thái bao gồm các ban dạng mề đay, các ban dạng hồng ban, phát ban dạng mụn nước mụn mủ, phát ban giống dạng cước ở đầu ngón tay chân, ít gặp hơn phát ban dạng lưới (chỉ điểm bệnh diễn tiến nặng), giống tổn thương xuất huyết chủ yếu ở chi, ban đỏ đa hình thái ở tay chân niêm mạc, kết mạc miệng, viêm kết mạc ở trẻ em.
Theo BS Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương), phát ban ở người mắc COVID-19 có thể kéo dài từ 2 đến 12 ngày. Trung bình, hầu hết mọi người bị phát ban trong 8 ngày. Tuy nhiên, phát ban ảnh hưởng đến các ngón chân có thể kéo dài từ 10 đến 14 ngày.
BS Minh cũng là một trong gần 70 nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu Trung ương tham gia hỗ trợ TP HCM điều trị trực tiếp các COVID-19 nặng trong thời gian qua.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ cuối tháng 4 đến nay), Việt Nam ghi nhận hơn 838.000 ca trong nước, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh (khoảng 93%). Một số bệnh nhân sau khi xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vẫn xuất hiện ban trên da.
Theo BS Minh, điều này là bình thường. “Ngay cả khi xét nghiệm đã về âm tính thì các triệu chứng ban sẩn mảng đỏ trên da vẫn còn được ghi nhận” – nam bác sĩ chia sẻ ngày 12/10.
Các vị trí thường gặp phát ban là ở thân mình, tay chân, bàn tay bàn chân, ngón chân (ngón chân COVID) với cá dát đỏ, sẩn hồng đỏ tím, sưng nề…
Hiện tượng sưng tấy ngón chân, còn gọi là “ngón chân COVID”. Ảnh: AP
Một số trường hợp virus kích thích trên da tạo thành các bệnh lý miễn dịch do virus như mày đay, vảy phấn hồng,.. sau khi nhiễm COVID-19 từ 1-2 tháng.
Theo BS Minh, nguyên nhân của những biến thể này do nhiều yếu tố. Các biểu hiện trên da có thể được phân loại thành ba nhóm lớn liên quan đến cơ chế bệnh lý của chúng: (i) thứ phát do đáp ứng miễn dịch với nucleotide của virus, (ii) do tác động tế bào trực tiếp của virus lên tế bào sừng và tế bào nội mô, (iii) thứ phát sau hậu quả toàn thân do COVID-19 gây ra, đặc biệt là viêm mạch và bệnh mạch máu huyết khối, và thứ phát do phản ứng có hại của thuốc trong suốt quá trình của bệnh.
“Cần một thời gian để những phản ứng này có thể trở lại bình thường” – BS Minh cho hay. Như vậy, khi xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, các hậu quả để lại trên da (phản ứng do cơ thể chống lại virus cũng như tàn phá của virus) vẫn có thể tồn tại vài tuần đến hàng tháng sau đó.
Đa số các tổn thương này xu hướng lành tính, có thể có các triệu chứng cơ năng như ngứa, rát… chúng ta có thể khám tư vấn hỗ trợ để xử lý cho phù hợp, tránh hiện tượng cào gãi hay đắp các loại thuốc lá cây không phù hợp dễ gây nhiễm trùng và viêm da tiếp xúc.
Sai lầm thường gặp khi điều trị rạn da trước và sau sinh
GiadinhNet – Một số bà bầu vì quá lo lắng các loại kem, lotion dùng có hại nên không dám dùng, hoặc chỉ cuống cuồng dùng kem khi thấy rạn đã rõ thì mất đi tính chất dự phòng rạn.
Võ Thu