Thói quen nhiều mẹ Việt mắc khiến con ngày càng kháng kháng sinh

Trong điều kiện thời tiết hiện nay, số trẻ mắc các bệnh lý viêm hô hấp trên ngày càng tăng. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo không phải thấy trẻ chảy mũi, nước mũi xanh là dùng ngay thuốc kháng sinh.

Các bệnh đường hô hấp ở trẻ em thường xảy ra vào thời điểm giao mùa giữa nóng sang lạnh, mưa sang nắng hoặc ngược lại, trong đó nguyên nhân chính là do nhiễm siêu vi trùng. Khi thời tiết thay đổi, sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh làm hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, các virus gây bệnh cảm lạnh thì dễ dàng phát triển và lan truyền.

Trong khi đó, mũi họng là cửa ngõ của đường hô hấp, là nơi nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở, đặc biệt trong tình trạng không khí ô nhiễm nặng nề; chứa nhiều tác nhân và mầm bệnh gây hại (vi khuẩn, bụi bẩn, siêu vi trùng, …). Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện, điều này dễ khiến trẻ mắc các bệnh về tai mũi họng và đường hô hấp.

Những triệu chứng chủ yếu bao gồm sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt – cho biết điều đáng lưu ý là khi trẻ bị bệnh, các bậc ba mẹ thường có thói quen tự mua thuốc về cho con uống, trong đó có các loại kháng sinh khác nhau. Nhiều trẻ tới khám sau 1 tuần viêm mũi họng, mẹ mang theo gói thuốc đủ các loại kháng sinh, thậm chí cả kháng sinh dùng đường tiết niệu.

 - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Thị Hoài An.

Trong khi đó, thực tế viêm mũi họng ở trẻ em có đến 70 – 80% là do virus gây ra. Số còn lại là do liên cầu (vi khuẩn). Điều này có nghĩa, cứ 10 trẻ viêm họng thì 7 – 8 trường hợp không phải dùng kháng sinh, vì kháng sinh không tiêu diệt được virus. 

Trước đây, phụ huynh cứ thấy trẻ chảy nước mũi thành dịch xanh, dịch vàng là mặc nhiên coi đó là nhiễm khuẩn và dùng kháng sinh. Nhưng các nhà nghiên cứu đã lấy dịch xanh vàng đó cấy vi khuẩn và đã không phát hiện vi khuẩn mọc lên, do đó dùng kháng sinh không có tác dụng.

PGS An khuyến cáo việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh ở trẻ không đúng sẽ gây ra tình trạng trẻ bị kháng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh dễ làm gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc gây lo ngại cho cộng đồng. 

Cho nên, nếu trẻ chỉ bị mũi thông thường thì chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, hút rửa là trẻ tự khỏi, không phải dùng kháng sinh. Lúc này, bệnh nhân chỉ cần điều trị triệu chứng.

Tương tự, với trẻ bị viêm tai cũng vậy, nếu trẻ viêm tai mà không chảy nước tai (thường gọi là viêm tai ở các triệu chứng nội soi) thì phụ huynh nên theo dõi tiếp trong 2 ngày sau đó. Thông thường có đến 50-80% đứa trẻ sẽ tự khỏi trong 2 ngày sau đó mà không cần dùng thuốc.

Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi sát sao, trường hợp 2 ngày sau đó nếu thấy triệu chứng nặng lên thì cần cho con đến khám tại bác sĩ chuyên khoa, lúc đó bác sĩ kê thuốc vẫn chưa muộn, không gây ảnh hưởng gì đến trẻ, không gây biến chứng gì.

Điều trị triệu chứng thường bao gồm: nếu trẻ ho thì cho dùng thuốc ho, sốt thì cho uống hạ sốt, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi thì dùng nước muối biển, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *