Giấc ngủ rất quan trọng với sức khỏe, có nhiều yếu tố tác động để có một giấc ngủ ngon, trong đó tư thế ngủ là một yếu tố quan trọng giúp bạn có một giấc ngủ sâu và sẵn sàng năng lượng cho một ngày mới.
Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân mà mỗi người có tư thế ngủ phù hợp.
Tư thế nằm nghiêng khi ngủ
Tư thế ngủ nằm nghiêng một bên, tay chân duỗi thẳng tốt cho những người có chứng ngưng thở khi ngủ, người béo phì, ngáy ngủ.
Những người bị tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ nên nằm nghiêng để giữ cho đường thở được thông thoáng. Nằm nghiêng cũng giúp làm giảm chứng ngáy và giữ cho cột sống không bị cong.
Nếu bạn bị trào ngược dạ dày tư thế này cũng rất tốt, khiến các chất chứa trong dạ dày không bị trào ngược lên thực quản.
Tuy nhiên, nằm nghiêng cũng khiến bạn dễ hình thành nếp nhăn ở bên mặt áp với gối, ngực cũng bị chảy xệ một bên.
Nằm nghiêng bên trái tốt cho bà mẹ mang thai.
Kiểu ngủ “tư thế thai nhi” tốt cho người bị đau lưng, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người đang trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, cụ thể là nên nằm nghiêng bên trái. Tư thế này giúp cải thiện lưu thông máu đến nhau thai, giảm khả năng em bé chèn ép lên bụng, đặc biệt ở vùng tĩnh mạch, vùng gan của mẹ.
Tuy nhiên không nên cong người quá mức khiến cơ hoành kéo xuống dễ bị khó thở. Bạn có thể ôm gối khi ngủ để cơ thể không quá cong giúp cơ hoành hoạt động tốt hơn.
Tư thế ngủ nằm ngửa
Nằm ngửa giúp giữ lưng, đầu, cổ, cột sống ở tư thế thoải mái nhất, ít gây áp lực lên đĩa đệm cột sống nên có thể ngăn ngừa đau cột sống và cổ.
Tư thế ngủ này không thích hợp với phụ nữ mang thai, ngáy ngủ hay người bị chứng ngưng thở khi ngủ vì khi nằm ngửa đường thở bị hẹp gây khó thở.
Nếu bạn không gặp vấn đề về hô hấp và không mang thai, bạn hoàn toàn có thể nằm ngửa khi ngủ. Nằm ngửa giúp ngăn ngừa đau cổ và lưng, ngừa nếp nhăn làm chậm quá trình lão hóa, giảm tình trạng chảy xệ ngực.
Nằm ngửa là tư thế ngủ lý tưởng giúp ngừa đau lưng và cột sống.
Nằm ngửa khi ngủ cũng có thể hữu ích đối với những người bị trào ngược dạ dày, người bị tắc nghẽn xoang (nghẹt mũi) vì nó ngăn chất nhầy làm nghẹt một trong hai bên mũi. Nếu bạn bị nghẹt mũi hoặc dễ bị trào ngược dạ dày, khi ngủ nên gối cao đầu lên một chút.
Nằm sấp khi ngủ
Nằm sấp bị coi là tư thế ngủ tồi tệ nhất vì tạo ra nhiều áp lực lên cột sống. Nằm sấp không hỗ trợ đường cong tự nhiên của cột sống mà còn gây căng thẳng trên phần thắt lưng cũng như các khớp khác và cơ bắp, dẫn đến đau đớn và tê liệt.
Nằm sấp giúp giải quyết các vấn đề về hô hấp liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ hoặc ngáy, tuy nhiên nếu duy trì tư thế ngủ này suốt đêm sẽ khiến bạn dễ bị đau mỏi cổ, vai, gáy. Do vậy tư thế ngủ này không lý tưởng cho những người dễ bị đau đầu hoặc đau cổ.
Đối với người béo phì, kiểu ngủ này gây thêm áp lực lên các cơ quan nội tạng như phổi. Thêm vào đó, ngay cả sau khi ngủ ngon ở tư thế nằm sấp, bạn vẫn dễ cảm thấy đau hoặc cứng cổ vào ngày hôm sau.
Tư thế ngủ này cũng không tốt cho dạ dày, làm tăng cường nếp nhăn và khiến bộ ngực biến dạng, chảy xệ.
Nằm sấp là tư thế ngủ tồi tệ nhất vì tạo ra nhiều áp lực lên cột sống.
Tư thế ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của bạn. Cách tốt nhất để biết liệu tư thế ngủ có phù hợp với bản thân hay không là cảm giác của bạn vào buổi sáng ngày hôm sau, nếu bạn cảm thấy hưng phấn, sảng khoái có năng lượng tích cực để bắt đầu ngày mới thì đó là tư thế ngủ thích hợp. Còn sau một giấc ngủ dài khiến bạn kiệt sức, mệt mỏi thì trước hết nên thay đổi tư thế ngủ.
Các lưu ý khác
Bên cạnh việc thay đổi tư thế ngủ, để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn nên:
– Vận động, tập luyện hàng ngày bằng các bài tập như erobic, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, thiền, yoga… tuy nhiên nên tránh tập thể dục trong vòng 2 giờ trước khi ngủ.
– Duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya.
– Ngưng uống cà phê trước khi ngủ do caffeine ngăn chặn các tác dụng của adenosine, một chất dẫn truyền thần kinh để thúc đẩy giấc ngủ. Caffeine cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ bằng cách tăng nhu cầu đi tiểu.
– Không hút thuốc trước khi ngủ vì nicotin là chất kích thích hệ thần kinh trung ương có thể gây mất ngủ. Loại chất này khiến khó ngủ hơn vì nó làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và kích thích hoạt động của sóng não nhanh chóng cho biết sự tỉnh táo.