Nhằm chia sẻ thông tin về thực trạng nhập viện và thảo luận các giải pháp nhằm cải thiện nhập viện hợp lý, chiều ngày 11/11 vừa qua, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp cùng Novartis tổ chức Hội thảo “Tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các bệnh viện phải dồn sức, tập trung cho điều trị, quản lý số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến, vấn đề quản lý nhập viện hợp lý càng có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch và đảm bảo duy trì các dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả các nhóm bệnh khác.
Toàn cảnh hội thảo “Tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”
Hội thảo là cơ hội cho các đại biểu nắm bắt các kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và tăng cường nhập viện hợp lý đồng thời chia sẻ các nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu về những giải pháp đa chiều trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam và Novartis.
Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp chuyên môn kỹ thuật giúp tăng cường nhập viện hợp lý như quy trình quản lý bệnh toàn diện, ứng dụng các phương pháp điều trị y khoa mới. Buổi hội thảo nhắm tới mục tiêu đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết và vai trò của việc tăng cường nhập viện hợp lý để đảm bảo tăng cường sức khỏe toàn dân và đảm bảo sự bền vững của hệ thống Y tế giúp thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh Covid-19, trong điều kiện bình thường mới.
TS. Trần Thị Mai Oanh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tham dự hội thảo
Các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện nhập viện hợp lý
Một trong những minh họa cho vấn đề giải pháp tăng cường nhập viện hợp lý là giải quyết vòng lặp tái nhập viện – thách thức trong điều trị suy tim tại Việt Nam. Tham dự hội thảo, PGS. TS. BS. Nguyễn Ngọc Quang, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia đã chia sẻ về thực trạng của suy tim và hiện trạng quản lý suy tim hiện nay tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam ước tính có khoảng 320.000 đến 1.6 triệu người mắc suy tim cần chăm sóc và điều trị. Người bệnh suy tim thường xuyên phải nhập viện vì những đợt suy tim cấp, và khoảng 4-7% bệnh nhân tử vong trong thời gian nằm viện. Tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày sau khi xuất viện là khoảng 10% và tăng lên khoảng 20% sau 1 năm. Có tới gần 50% bệnh nhân tử vong sau 5 năm mắc suy tim, cao hơn tỷ lệ tử vong do một số bệnh ung thư phổ biến. Điều trị suy tim không tối ưu khiến bệnh nhân gia tăng nguy cơ phải nhập viện do đợt cấp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 sẽ càng làm tăng gánh nặng lên hệ thống chăm sóc y tế.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý bệnh suy tim mới theo khuyến cáo của Hội tim mạch Châu Âu (ESC)/Hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đang được triển khai tại hơn 40 bệnh viện trong cả nước và đang từng bước chứng minh hiệu quả của quản lý toàn diện trong giảm tỉ lệ nhập viện. Việc sử dụng nhóm thuốc ARNI cũng đang làm giảm tới 20% tỉ lệ nhập viện do suy tim và tử vong do tim mạch so với điều trị thường quy.
Ông Roeland Roelofs, Giám đốc toàn cầu ngành điều trị suy tim, Novartis Thụy Sĩ, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp nhằm giảm tình trạng nhập viện có thể tránh được cho bệnh nhân suy tim với các cơ chế quản lý và các giải pháp đa chiều của hệ thống y tế tại các quốc gia phát triển như kỹ thuật tiên tiến, chuyên môn lâm sàng, tài chính y tế/chi trả bảo hiểm, quản lý bệnh nhân, theo dõi giám sát điều trị ngoại trú v.v. Đồng thời, ông cũng đưa ra một số khuyến nghị về những cách tiếp cận có thể mang lại tác động tích cực đối với mục tiêu tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam.
Ông Roeland Roelofs chia sẻ về các giải pháp nhằm giảm tình trạng nhập viện có thể tránh được cho bệnh nhân suy tim tại các nước phát triển
Bài trình bày của Th.S Nguyễn Hoàng Giang đến từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã chia sẻ kết quả nghiên cứu can thiệp nâng cao năng lực trạm y tế xã trong quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Nghiên cứu chuyển tải thông điệp có ý nghĩa là nếu năng lực trạm y tế xã được tăng cường để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả các bệnh mạn tính sẽ góp phần quan trọng giảm nguy cơ nhập viện và tử vong của bệnh nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nói chung.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thống nhất đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam. Cụ thể, cần phải xây dựng bộ tiêu chí nhập viện phù hợp để làm công cụ quản lý hiệu quả nhập viện tại Việt Nam và đẩy mạnh việc quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn dân tại tuyến y tế cơ sở.
Ông Ivo Sieber, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam đánh giá về sự hợp tác của ngành dược phẩm Thụy Sĩ nói chung và của Novartis nói riêng với hệ thống y tế Việt Nam
Không những vậy, các đại biểu còn đề xuất cần phải có những chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân suy tim được tiếp cận và sử dụng các thuốc điều trị suy tim hiệu quả như ARNI sẽ giúp tránh bệnh nhân khỏi vòng xoáy nhập viện – xuất viện – tái nhập viện và nguy cơ tử vong. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân dựa trên bao phủ Bảo hiểm y tế và nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu như hiện nay, việc đưa các nhóm thuốc đặc trị như ARNI vào danh mục Bảo hiểm y tế sẽ có những tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng nói chung và kết quả điều trị của bệnh nhân nói riêng.
Về Novartis
Novartis tái định hình dược phẩm nhằm cải thiện và nâng cao sức khỏe con người. Là một công ty toàn cầu về dược phẩm trên thế giới, Novartis sử dụng khoa học sáng tạo và các công nghệ số để tạo nên các liệu pháp điều trị mang tính chuyển đổi và đột phá trong lĩnh vực y học. Với sứ mệnh tìm ra các thuốc mới, Novartis liên tục được xếp trong nhóm các công ty hàng đầu trên thế giới đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Các sản phẩm của Novartis tiếp cận gần 800 triệu người trên toàn cầu và hiện đang tìm kiếm các cách sáng tạo để mở rộng tiếp cận đối với các liệu pháp điều trị tiên tiến nhất. Khoảng 110.000 người tại hơn 140 quốc gia hiện đang làm việc cho Novartis trên toàn thế giới. Thông tin thêm tại https://www.novartis.com.
PV