Chuyên gia đặc biệt cảnh báo, nếu mua gà mà thấy nội tạng có dấu hiệu này thì đừng tiếc rẻ và nên vứt bỏ ngay.
Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok đang truyền tay nhau video quay cận cảnh lá gan của một con gà mới bị mổ phanh bụng. Được biết, người dùng Tiktok này mua gà ngoài chợ đem về để chế biến món ăn cho gia đình. Mọi công đoạn vẫn diễn ra bình thường, cho đến khi bụng gà được mổ phanh. Tất cả cùng hú hồn khi thấy gan gà to hơn bình thường và xuất hiện những nốt to đùng có màu như kiểu bị nấm mốc.
Gà mắc bệnh đầu đen khiến dân mạng hú hồn khi nhìn thấy lá gan bên trong.
Trước hình ảnh nội tạng đầy bất thường này, nhiều Tiktoker đã thi nhau vào bình phẩm. Có người nhận định “con gà này bị ung thư gan giai đoạn cuối”, có người khẳng định “gà đã bị nhiễm Covid-19 ở giai đoạn bệnh chuyển biến nặng”. Thậm chí có người còn bình luận hài hước “con gà hư hỏng hút thuốc nhậu nhẹt suốt ngày”…
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), tình trạng gan phản ánh con gà này đã bị bệnh đầu đen. Vậy tình trạng gan như vậy có thể ăn được bình thường không? Nếu bỏ gan đi thì thịt gà chắc có lẽ vẫn nên dùng vì nhìn tổng thể con gà này cho thấy thịt gà vẫn rất ổn? Làm sao đi mua gà có thể nhận biết được qua bên ngoài mà tránh gà bị bệnh như này?
Bệnh đầu đen ở gà là gì?
Bệnh đầu đen ở gà là bệnh do một loại đơn bào có tên là Histononas Meleagridis gây ra, bệnh tích chủ yếu tập trung ở manh tràng và gan. Hiện nay bệnh xảy ra nhiều trên gà ta, trên tất cả các vùng, đặc biệt nơi chuồng trại và sân vườn ẩm ướt.
Trước hình ảnh nội tạng đầy bất thường này, nhiều Tiktoker đã thi nhau vào bình phẩm.
Gà mắc bệnh đầu đen có biểu hiện gì?
Chuyên gia nhận định, gà mắc và chết do bệnh đầu đen có biểu hiện ở đầu không hề đen như tên gọi của nó. Cái tên đầu đen ra đời bắt nguồn từ những người chăn nuôi, nó được lan rộng và phổ biến tới mức hiện nay cả những người điều trị, những người trong ngành chăn nuôi – thú y biết tới nó, gọi tên nó đều thông qua tên gọi này là chủ yếu.
Thực chất những con gà mắc bệnh đầu đen và bị chết có đầu mặt màu tái và hốc hác, một số ít trường hợp có màu tái tới mức xanh xao. Tuy nhiên, biểu hiện ở đầu, mặt gà mắc bệnh này không điển hình do có thể nhầm lẫn với triệu chứng mặt tái nhợt, mặt gầy hốc hác trong các bệnh khác như Newcastle, tiêu chảy mãn tính do Ecoli, kí sinh trùng máu, cầu trùng… Vì vậy, nếu chỉ dựa vào triệu chứng bên ngoài thường không chẩn đoán chính xác được bệnh.
Gà mắc và chết do bệnh đầu đen có biểu hiện ở đầu không hề đen như tên gọi của nó.
“Người dân muốn xem xét liệu gà mình mua có mắc bệnh đầu đen không, nhất là với những con gà đã được làm sẵn chỉ cần mang về mổ ra chế biến thì nên quan sát manh tràng, gan gà. Đây là những nơi có bệnh tích điển hình để đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.
Trong đó, đặc trưng nhất là gan sưng to hơn bình thường và xuất hiện những vết hoại tử hình hoa cúc với bề mặt hoai tử hơi lõm khắp bề mặt gan. Ruột thừa sưng to, thành ruột thừa tăng sinh dày, chất chứa bên trong ruột thừa trở thành dạng cứng chắc tạo khối dạng như canxi hóa lấp đầy bên trong, khi mổ khám sẽ dễ dàng phát hiện 2 manh tràng rắn lại, chất chứa bên trong rắn có màu trắng.
Phòng bệnh đầu đen cho gà bằng cách nào?
Đây là một vài khuyến cáo dành cho người chăn nuôi để phòng tránh bệnh đầu đen cho gà:
– Không nuôi chung gà với gà Tây.
– Bắt đầu từ 20 ngày tuổi trở đi, định kì 20 ngày 1 lần nên pha thuốc tím hoặc sunphat đồng cho gà uống (uống theo chỉ định ở phần điều trị ).
– Phòng bệnh thông qua diệt trung gian truyền bệnh: Kết hợp các loại sát trùng để diệt Histomonas, đồng thời định kì hàng tháng nên rắc vôi ở bãi chăn thả và khu vực chuồng trại chăn nuôi nhằm diệt trung gian truyền bệnh giun kim và giun đất, có thể dùng foocmon 2% phun chuồng trại và khu vực chăn nuôi để diệt giun đất và khử trùng chuồng trại.
Nếu mua gà được làm sẵn, người dân cần chú ý chọn gà có thân hình nhỏ gọn, ức đẹp, da gà vàng tự nhiên.
Có nên ăn thịt từ những con gà mắc bệnh đầu đen?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, đã là gà bệnh thì đều không nên ăn để đảm bảo sức khỏe. Do đó, người dân không nên tiếc rẻ mà ăn thịt của những con gà này.
Nhiều người cho rằng chỉ cần vứt bỏ nội tạng đi là có thể yên tâm ăn được thịt gà. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cách tốt nhất vẫn là không nên ăn thịt của chúng để phòng tránh những hậu quả không đáng có.
Lưu ý chọn mua gà làm sẵn ngoài chợ, tránh mua gà mắc bệnh
Để phòng tránh nguy cơ ăn phải thịt gà bệnh nói chung, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên người dân khi đi mua gà cần mua những con gà có lông mượt, ánh mắt tinh nhanh, chân mỡ màng, mào tươi… Nếu mua gà được làm sẵn, người dân cần chú ý chọn gà có thân hình nhỏ gọn, ức đẹp, da gà vàng tự nhiên. Không chọn gà ở những cửa hàng kiểu 10 con thì cả 10 béo căng như nhau vì nguy cơ mua phải gà bơm nước. Gà đem về làm sạch lại, mổ bụng cần chú ý nếu xuất hiện u, cục cứng bám ở ruột, gan… nên vứt bỏ luôn.
Mời bạn đọc xem clip được nhiều người quan tâm!
Học online tại Hà Nội