Đang làm việc thì đột ngột dừng lại nhìn chằm chằm vào đồ vật nào đó, biểu hiện bệnh gì?

Đang làm việc thì đột ngột dừng lại nhìn chằm chằm vào đồ vật nào đó, biểu hiện bệnh gì?

Đột ngột dừng lại khi đang làm việc, người phụ nữ nhìn chằm chằm vào một đồ vật, sau 1- 2 phút trở lại bình thường và quên hẳn những gì vừa xảy ra…


Đang làm việc thì đột ngột dừng lại nhìn chằm chằm vào đồ vật nào đó, biểu hiện bệnh gì? - Ảnh 1.

Đang làm việc đột ngột dừng lại nhìn chằm chằm vào đồ vật nào đó, biểu hiện bệnh gì?(ảnh minh hoạ)

Tưởng bị “ma làm”

Chị Nguyễn Thanh Mai (Lạng Giang, Bắc Giang) ái ngại cho biết, chị gái chị năm nay 36 tuổi, thường có biểu hiện khi đang làm việc gì đó (làm việc nhà hoặc công việc ở cơ quan) đột ngột dừng lại, mắt nhìn chằm chằm vào một đồ vật và sau vài giây hoặc 1- 2 phút thì lại trở lại bình thường.

“Mới đầu không ai để ý, nhưng gần đây tình trạng này của chị ngày một nhiều lên.

Người xung quanh có nhắc nhở và hỏi thì chị cũng không nhớ được, cũng như không biết mình bị như vậy. Bởi sau những lúc như vậy mọi thứ của chị đều bình thường. Mẹ em nghĩ chị bị mắc bệnh âm nên suốt ngày đi cúng vái”, Mai than phiền. Cô băn khoăn không biết có phải chị mình có vấn đề thần kinh, trong đó có nhiều biểu hiện của bệnh động kinh thể vắng ý thức?.

Trao đổi về trường hợp này, BSCKI Nguyễn Thị Dung, Khoa Tâm thần kinh – Cơ xương khớp – Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho rằng, bệnh động kinh ngoài biểu hiện xuất hiện các cơn co giật còn có dạng vắng ý thức.

Theo đó, ở những bệnh nhân mắc bệnh động kinh cơn vắng ý thức, người bệnh sẽ đột ngột xuất hiện biểu hiện vắng ý thức như đang làm việc đột ngột dừng lại hoặc nhìn chằm chằm vào đồ vật nào đó kéo dài trong vài giây cũng như vài phút.

“Sau đó bệnh nhân lại tiếp tục hoạt động trở lại. Đáng lưu ý, bệnh nhân không nhớ được những việc vừa xảy ra.

Biểu hiện của chị gái Mai bác sĩ nghĩ nhiều tới khả năng bệnh nhân mắc bệnh động kinh. Tuy nhiên, để kết luận chính xác có bị động kinh hay không thì người nhà cần phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân để đưa ra hướng điều trị phù hợp”, BS Dung nói.

Có thể tử vong

Bệnh động kinh là một bệnh lý mãn tính xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát.

Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những biểu hiện khác nhau. Co giật không phải là biểu hiện duy nhất, các cơn vắng ý thức đột ngột, co cứng chân tay cũng là biểu hiện của bệnh động kinh.

Ước tính có khoảng 500 triệu người trên thế giới mắc bệnh động kinh, hơn 60% các ca bệnh động kinh có thể được phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị sẽ được chữa khỏi.

Tuy nhiên, theo BSCKI Nguyễn Thị Dung, do nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này như không điều trị, bỏ dở hoặc điều trị theo phương pháp mê tín dị đoan khiến bệnh càng trầm trọng thêm.

Theo đó, BS Dung thông tin, bệnh động kinh không được điều trị dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm: xuất hiện những cơn co giật khi đang tham gia giao thông hoặc đang làm việc ở trên cao hay gần lửa sẽ nguy hiểm, nhẹ thì bị chấn thương hoặc gãy xương nặng thì có thể đe doạ đến tính mạng.

Không chỉ ảnh hưởng với chính người bệnh, bệnh động kinh nếu không được điều trị kịp thời còn ảnh hưởng đến những người xung quanh ví dụ như người động kinh tham gia giao thông sẽ gây tai nạn.

Hay đối với những những bệnh nhân không được kiểm soát, điều trị thuốc sẽ dẫn đến những cơn co giật liên tiếp, trong trường hợp này bệnh nhân dẫn đến ngừng tim, ngừng hô hấp và nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.

“Do vậy đối với bệnh nhân động kinh cần phải điều trị thuốc và phải theo dõi chặt chẽ. Nếu được chẩn đoán chính xác mắc bệnh động kinh dù ở bất kỳ thể nào (co giật hay xuất hiện cơn vắng ý thức) thì người bệnh đều sẽ được điều trị bằng cách dùng thuốc. Bởi chỉ có thể dùng thuốc thì mới kiểm soát được vấn đề mắc bệnh, nếu không sẽ rất nguy hiểm tới tình trạng của bệnh nhân”, BS Dung  nhấn mạnh.

Không ăn món ăn sống, đồ gỏi

Theo vị bác sĩ chuyên khoa thần kinh, khi gặp người bệnh động kinh người xung quanh nên để bệnh nhân nằm xuống nền cứng, tránh xa những vật sắc nhọn có thể gây tổn thương, để người động kinh nằm nghiêng sang bên trái, lau hết đờm dãi tránh gây tắc bít đường hô hấp.

Ngoài ra, người bên cạnh không giữ tay bệnh nhân đồng thời không ghì họ lại, tuyệt đối không đưa vật cứng hoặc nhét dẻ vào miệng bệnh nhân như thế sẽ làm cho người bệnh ngạt thở.

“Thông thường cơn động kinh chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút , khi đó mình phải ở bên cạnh bệnh nhân đến khi nào họ tỉnh trở lại. Sau những cơn co giật người bệnh thường rất mệt nên cần để cho người bệnh nghỉ ngơi đầy đủ bổ sung dưỡng chất. Trong trường hợp bệnh nhân bị co giật liên tiếp hoặc thấy bệnh nhân tím tái, khó thở thì phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay”, BS Dung nói.

Ngoài ra, để phòng bệnh, BS Dung khuyến cáo việc đầu tiên vẫn là phải dùng thuốc đối với những bệnh nhân đã được xác định mắc bệnh động kinh.

Với những người khoẻ mạnh để phòng ngừa những yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh động kinh thì trước hết bảo vệ bản thân (bảo vệ vùng đầu  khi tham gia giao thông – đi đúng luật, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tránh va chạm, tai nạn gây chấn thương sọ não.

Đặc biệt cần tránh những món ăn gỏi. món sống …đây là những món ăn có nguy cơ gây nhiễm ký sinh trùng như sán não.

Ở những người trung tuổi các bác sĩ khuyên cần có chế độ ăn hợp lý để tránh những bệnh lý tim mạch, đột quỵ não (tránh những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh động kinh). Trong khi đó, trẻ nhỏ trước hết phải tiêm phòng đầy đủ những bệnh lý có thể gây ra viêm não, viêm màng não hoặc những trường hợp trẻ sốt cao phải kiểm soát những cơn sốt tránh co giật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *